Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

CPI tăng vì các nhóm hàng Nhà nước quản lý

CPI tăng vì các nhóm hàng Nhà nước quản lý

CPI tăng vì các nhóm hàng Nhà nước quản lý 6 tháng đầu năm, nhóm dịch vụ y tế và giáo dục tăng cao hơn mức bình quân chung của cả rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá điện, xăng dầu... cũng luôn rình rập tăng.
  • CPI cả nước tăng trở lại

Tại Hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014 tổ chức ngày 30/6, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê nhận định lạm phát năm nay tăng khá chậm. "Trong đó, tăng cao hơn mức tăng chung là dịch vụ y tế, giáo dục. Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trong nhóm này chủ yếu là các loại điện thoại di động giảm giá, không phải nhóm dịch vụ"...

Theo bà Dương, lạm phát những tháng đầu năm thấp nhưng ở góc độ nào đó chưa ổn định bởi còn nhiều mặt hàng phải điều chỉnh theo lộ trình.

"Vẫn còn nhiều mặt hàng như dịch vụ y tế, giáo dục do Nhà nước quản lý vẫn tiếp tục được các tỉnh, thành phố điều chỉnh theo kế hoạch để đến năm  2018 có giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng điện, xăng dầu luôn thường trực. Trong nhiều năm, giá xăng dầu đã thành 'nếp' điều chỉnh tăng nhiều, giảm ít không biết bao nhiêu lần. Đó là một trong những nguyên nhân nhìn thấy trước luôn đẩy giá tăng đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành", bà Dương nhận định.

xang1-1667-1404125220.jpg

Các chuyên gia cho rằng, biến động giá xăng dầu, giá điện có thể đe dọa CPI. Ảnh: Anh Quân

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, các nhóm hàng đang được Nhà nước quản lý là những nhân tố chính tác động lên CPI cho thấy việc điều hành phải hết sức thận trọng.

"Thời gian tới việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ được đề cập trong báo cáo của Chính phủ như xăng dầu, điện, dịch vụ công về giáo dục, y tế... là cần thiết và đúng hướng, nhưng phải thận trọng về liều lượng, thời điểm với lộ trình phù hợp", ông Long cho hay.

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 tăng 1,38% so với cuối năm 2013, bằng một phần năm mục tiêu của năm, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 13 năm trở lại đây kể từ năm 2002.

Về lạm phát trong năm 2014, ông Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định nhiều khả năng sẽ ở mức 4%. Tốc độ lạm phát trong các năm 2015 và 2016 cũng sẽ dao động trong khoảng 3-4%.

"Trong vòng 6-12 tháng tới, lạm phát, tính theo năm sẽ nằm trong xu hướng tăng chậm dần và có thể xuống mức đáy mức 3% vào năm 2015, nếu đầu tư lấy lại được xu thế phục hồi. Trong trường hợp đột biến về đầu tư, lạm phát trong vòng 3 năm tới nhiều khả năng cũng không vượt quá mức 6%", ông Độ nhận định. 

Bà Dương thì dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng thấp ở mức 5% trong năm 2014 và 6% trong 2015.  

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, sức mua trong và ngoài nước đều tăng chậm nên phần lớn doanh nghiệp nội vẫn gặp khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Do đó, một số kiến nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. 

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng tín dụng trong những tháng cuối năm không dễ dàng. Theo ông, từ đầu năm, dòng tiền của các ngân hàng thương mại, vốn khả dụng vẫn dư thừa nên có khoảng 80-90% tập trung vào trái phiếu.

Tốc độ phục hồi và chất lượng của nền kinh tế tốt thì mới thúc đẩy được việc cho vay. Trong khi, 3 năm qua, khó khăn của nền kinh tế đã vắt kiệt sức của doanh nghiệp. 

"Doanh nghiệp Nhà nước thì đang tìm cách sắp xếp, cơ cấu lại. Hệ số vay nợ của doanh nghiệp dân doanh khá cao. Nên ở cả 2 khu vực này năng lực hấp thụ vốn kém. Trong đó, khu vực FDI lại không vay vốn trong nước nên khả năng tăng tín dụng rất khó khăn, không thể một sớm một chiều mà sáng sủa", ông Hòe nói.

Do đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, để vực dậy sức mua thì bên cạnh những giải pháp kích cầu, cũng cần có những giải pháp để tăng năng lực cho doanh nghiệp, thúc đẩy nguồn cung.

Ngọc Tuyên

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét