Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Nhiều 'ông lớn' nhà nước giảm lợi nhuận

Nhiều 'ông lớn' nhà nước giảm lợi nhuận

Nhiều 'ông lớn' nhà nước giảm lợi nhuận So với 2013, dù doanh thu khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2014 tăng 2% nhưng lợi nhuận lại không bằng.
  • Tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ nước ngoài hơn 380.000 tỷ đồng / Bộ Tài chính lo nợ công tăng khi tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đội vốn

Theo báo cáo mới đây của Chính phủ gửi Quốc hội, tổng doanh thu hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2014 đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013.

Trong đó, riêng khối công ty mẹ có doanh thu hơn 852.000 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện một năm trước, trong khi số lượng doanh nghiệp không đổi.

Đứng đầu về doanh thu vẫn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia với hơn 381.000 tỷ đồng. EVN và Viettel lần lượt xếp sau với doanh thu tương ứng là 209.000 tỷ đồng và 193.000 tỷ đồng. Tổng công ty duy nhất góp mặt trong top 5 về doanh thu là Tổng công ty Hàng không với hơn 70.000 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tăng, song lợi nhuận của các doanh nghiệp lại sụt giảm. Báo cáo hợp nhất của khối này cho hay lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ còn hơn 175.000 tỷ đồng, giảm 2% so với 2013 nếu xét trong cùng số lượng tập đoàn, tổng công ty hiện có năm 2014.

nhieu-ong-lon-nha-nuoc-giam-loi-nhuan

Vinalines vẫn lỗ lớn dù đã nỗ lực giảm lỗ.

Đáng chú ý, báo cáo ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã có lãi sau nhiều năm thua lỗ nhờ quá trình tái cơ cấu. Trong số này phải kể đến những cái tên như Tổng công ty Cà phê, Truyền thông đa phương tiện - VTC, Tổng công ty Chè...

Tuy nhiên, các công ty mẹ lại có mức lợi nhuận tăng đáng kể, ở mức 5% so với một năm trước và đạt mức trên 114.000 tỷ đồng (trước thuế).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn làm ăn kém hiệu quả. Lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 10 tập đoàn, tổng công ty còn hơn 4.900 tỷ đồng.

Đứng đầu trong số này vẫn là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Năm 2014, dù bức tranh tài chính có nhiều cải thiện hơn so với một năm trước, song số thua lỗ còn gần 3.200 tỷ đồng. Đứng thứ hai trong danh sách là Tổng công ty Lương thực Miền Nam.

Đặc biệt, số lỗ lũy kế của 19 "ông lớn" còn đến hơn 24.400 tỷ. Vinalines và Lương thực miền Nam vẫn là hai cái tên dẫn đầu khi số lỗ lũy kế lần lượt còn hơn 20.000 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng. 

Trong số các doanh nghiệp làm ăn khó khăn năm qua thì lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông sản góp nhiều gương mặt hơn cả. Ngoài Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ phát sinh 334 tỷ thì nhiều ông lớn của ngành vẫn làm ăn lận đận. Tập đoàn Cao su công bố doanh thu giảm 12%, còn lợi nhuận trước thuế giảm đến 42%. Tổng công ty Lương thực Miền Bắc còn bết bát hơn khi lợi nhuận trước thuế giảm 51%; 

Lý giải cho hiện tượng này, báo cáo cho cho rằng do các mặt hàng nông sản có sản lượng xuất khẩu lớn gặp nhiều khó khăn. Như xuất khẩu gạo có dấu hiệu sụt giảm cả về số lượng và giá trị ở nhiều thị trường. Nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường truyền thống không ổn định, có sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng.

Hay như mặt hàng cao su thiên nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi và áp lực giá cao su thế giới tiếp tục giảm mạnh do ảnh hưởng khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Chí Hiếu

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét