Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Sàn thương mại điện tử bước vào cuộc đấu mới

Sàn thương mại điện tử bước vào cuộc đấu mới

Sàn thương mại điện tử bước vào cuộc đấu mới Trong khi các doanh nghiệp nội tìm cách se duyên với đối tác ngoại để tăng cường vị thế thì các công ty nước ngoài đẩy mạnh rót vốn, mở rộng quy mô.
  • Ngày Mua sắm trực tuyến 2014 - cú hích cho thương mại điện tử

Theo nghiên cứu gần đây của WeAreSocial, Việt Nam là một trong những nước đi đầu Đông Nam Á về tốc độ phát triển internet và sử dụng smartphone với 36% dân số sử dụng internet, 22% sử dụng mạng xã hội, 20% sử dụng smartphone.

Thế nhưng, số lượng công ty hoạt động về thương mại điện tử Việt Nam chưa nhiều, lại hoạt động cầm chừng, nên đây là mảnh đất màu mỡ mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng như một số doanh nghiệp lớn trong nước đua nhau lên kế hoạch cho cuộc cạnh tranh mới.

ban-hang-5309-1418093598.jpg

Thương mại điện tử đang là "miếng bánh ngon" mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn "đánh chiếm". Ảnh: MH.

Ra đời từ năm 2012, Công ty Sen Đỏ (Sendo) trực thuộc Tập đoàn FPT còn gặp nhiều khó khăn khi đặt chân vào mảng thương mại điện tử. Dẫu vậy, công ty vẫn lên hàng loạt kế hoạch để chinh phục thị trường. Giữa tháng 7 năm nay, doanh nghiệp đã chi một khoản tiền để sở hữu sàn thương mại điện tử 123mua.vn của Công ty cổ phần VNG. Đây là thương vụ mang lại cho Sendo nhiều tiện ích mới cũng như số lượng khách hàng thân thiết.

Theo ông Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đắc Việt Dũng chiến lược này sẽ đưa Sendo trở thành sàn thương mại điện tử có nhiều giao dịch nhất trong tương lai thông qua việc cung cấp dịch vụ có chất lượng với mô hình mua bán đảm bảo.

Sendo tiếp tục tạo sự chú ý trên thị trường khi đầu tháng 12 công bố khoản đầu tư mới với 3 đối tác internet hàng đầu của Nhật Bản. Theo đó, SBI Holdings, Econtext  ASIA, BEENOS sẽ nắm giữ 33% cổ phần tại công ty này. Sau thương vụ, 3 nhà đầu tư ngoại không những giúp công ty tiếp cận với mạng lưới khách hàng và đối tác của họ trên toàn cầu mà còn hỗ trợ đào tạo mạng lưới bán hàng và mở rộng danh mục hàng hóa…

Đầu tháng 3/2012, Công ty cổ phần Tiki (đơn vị sở hữu tiki.vn) đã bán lại 22% cổ phần cho Quỹ đầu tư CyberAgent của Nhật. Sau đó một năm, công ty bán tiếp 30% cổ phần cho Tập đoàn Sumitomo. Hoạt động này một mặt giúp Tiki huy động vốn, mặt khác, tận dụng khai thác kinh nghiệm thực tế vận hành E-commerce của đối tác.

Các đối thủ ngoại cũng đang ra sức tấn công thị trường Việt dưới nhiều hình thức. Đặt chân vào Việt Nam từ năm 2012, Zalora của Rocket Internet (Đức) liên tục tạo ấn tượng trên thị trường bằng nhiều hình thức khuyến mãi lớn, đồng thời tạo sự khác biệt với việc cho ra đời nhãn thời trang riêng. Không những vậy, mới đây hãng này còn chọn cách tạo niềm tin cho người tiêu dùng Việt bằng việc mở showroom trưng bày sản phẩm. Hiện, Zalora Việt Nam có hơn 250 thương hiệu của Việt Nam, quốc tế và độc quyền với lượng truy cập duy trì 200.000 người một ngày.

Hồi cuối năm 2013, ông lớn này cũng đã nhận được khoản đầu tư trị giá lên đến 112 triệu USD từ nhóm đầu tư tư nhân Access Industries, quỹ được điều hành bởi Công ty quản lý tài sản Scopia Capital Management LLC - Mỹ. Với số vốn đầu tư lớn này, Zalora kỳ vọng nâng thị phần ngày càng mạnh ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam không là ngoại lệ.

Cùng công ty mẹ Rocket Internet, Lazada tham vọng bành trướng Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam là thị trường nằm trong top đầu mà đơn vị này muốn đánh chiếm. Ông Alexandre Darly, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho hay, Việt Nam là nước có dân số trẻ cao, trong khi đó thị trường mua bán trực tuyến vẫn còn sơ khai nên khi tiếp cận thị trường này doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Có dòng vốn ngoại khá lớn, Lazada chọn cách tấn công thị trường bằng việc mạnh tay chi tiền trên hầu hết các kênh truyền thông, trong đó hình thức Google Adwords và Facebook Ads được đơn vị này ưu tiên. Mặt khác, ông lớn này còn đưa ra các mức lương "khủng" để chiêu mộ nhân tài tại Việt Nam. Riêng đối với khách hàng, ngoài việc cam kết giao hàng tốt công ty này còn kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm để đưa ra các mức giá cạnh tranh trên thị trường thông qua việc liên tục tổ chức các sự kiện giảm giá.

Mới đây công ty mẹ của Lazada Việt Nam lại vừa nhận thêm 250 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Temasek (Singapore). Đây là số tiền công ty này sẽ dùng cho kế hoạch đầu tư công nghệ, vận chuyển và hệ thống thanh toán. Là một trong thị trường tiềm năng và hấp dẫn, Việt Nam đang là điểm đầu tư đến mà hãng này không thể bỏ qua.

Theo đánh giá của chuyên gia marketing tại TP HCM, sau thời gian đầu triển khai rầm rộ loại hình thương mại điện tử, nhiều thương hiệu nội một thời đình đám đang hoạt động cầm chừng, trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại lại chọn thời điểm này để "se duyên" và đầu tư. Cho nên, nếu các doanh nghiệp không biết cách chuyển mình, sẽ dễ dàng bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi mới khi mà các ông lớn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chịu lỗ ở giai đoạn đầu. Đây không chỉ là khó khăn mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp nội và ngoại cạnh tranh sòng phẳng, tạo vị thế, niềm tin với người tiêu dùng. 

Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có 44% người dùng internet ở Việt Nam (tương đương với gần 14 triệu người) chưa bao giờ tiến hành các giao dịch hàng hóa trực tuyến. "Đây là thị trường tiềm năng hấp dẫn mà nhà đầu tư nào cũng mong muốn đánh chiếm", chuyên gia này nói thêm.

Cũng theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2013, tỷ lệ người truy cập internet tham gia mua sắm trực tuyến là 57%. Mỗi người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng tiêu 120 USD. Sắp tới, với sự đầu tư mạnh mẽ của các tổ chức trong và ngoài nước việc mua bán qua mạng sẽ tăng lên. Dự báo, mỗi người mua hàng trên mạng sẽ chi khoảng 150 USD. Doanh thu các nhà thương mại điện tử B2C theo đó sẽ lên mức 3,7-4,3 tỷ USD. 

Thi Hà

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét