Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

'Tiêu cực trong vốn vay ODA, Việt Nam đã xử lý mạnh tay'

'Tiêu cực trong vốn vay ODA, Việt Nam đã xử lý mạnh tay'

'Tiêu cực trong vốn vay ODA, Việt Nam đã xử lý mạnh tay' Sau vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, Nhật Bản vẫn tiếp tục viện trợ vốn ODA vì Việt Nam đã làm rất cương quyết khi phát hiện tiêu cực, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội.
  • Nhật tạm ngừng cấp ODA cho dự án đường sắt tiêu cực

- Nhật Bản vừa quyết định tạm ngừng cấp vốn vay ODA cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội sau khi Chủ tịch của JTC thừa nhận hối lộ 66 triệu yen để đổi lại việc trúng thầu dự án. Ông bình luận gì về chuyện này?

- Không phải bây giờ mới có chuyện này. Năm 2008 Nhật Bản tuyên bố tạm dừng viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi Công ty Tư vấn Nhật PCI nhận tội hối lộ quan chức của Sở Giao thông Vận tải TP HCM Huỳnh Ngọc Sĩ. Bởi vậy, tôi nghĩ chuyện này phải nhìn hết sức bình thường. Bản chất là do là Nhật Bản rất có trách nhiệm với đồng tiền của họ. Cũng giống như Việt Nam có trách nhiệm với đồng tiền của nhân dân mình. Nhật Bản đã xử lý cương quyết khi phát hiện tiêu cực và họ cũng đợi cách xử lý cương quyết của Việt Nam. Tôi cho rằng hai bên cùng xử lý kiên quyết thì mới bảo vệ được đồng vốn.

mr-kien-1542-1401870023.jpg

Ông Nguyễn Đức Kiên: Việt Nam đã làm rất cương quyết khi phát hiện tiêu cực trong vốn vay ODA.

- Theo ông vụ việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội ?

- Tất nhiên là sẽ ảnh hưởng, giống như việc mỗi ngày được 10 đồng đi chợ, bây giờ dừng lại, chỉ được có 7 đồng thôi, 3 đồng còn lại chúng ta phải tự cân đối. Dự án sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp đến kỳ thanh toán cho nhà thầu nhưng chúng ta chưa trả được. Cũng giống như việc phải ứng tiền mua nguyên vật liệu thì lại chưa có. Ảnh hưởng thì có nhưng tôi cho rằng không đến mức công trình sập hay không đưa vào sử dụng được. Bởi vì phía Nhật biết phải dừng ở mức độ nào để trong trạng thái công trình vẫn phải đảm bảo chất lượng, không phải dãi nắng dầm mưa mà vẫn xử lý được vấn đề.

- Sáu quan chức ngành đường sắt đã bị điều tra vì nghi ngờ liên quan đến việc hối lộ của JTC. Cá nhân ông nhìn nhận ra sao về cách xử lý của Bộ Giao thông Vận tải?

- Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Bộ Giao thông, người đứng đầu bộ phải có trách nhiệm và quyền hạn làm cái việc đó. Bộ Giao thông đang làm đúng trách nhiệm của mình.

- Có ý kiến quan ngại chuyện tiêu cực ở dự án đường sắt có thể làm phía Nhật mất lòng tin trong việc cho vay vốn ODA đối với Việt Nam. Ông chia sẻ nỗi lo này thế nào?

- Ở Việt Nam, trong tổng số hàng trăm dự án ODA chỉ có một vài trường hợp như vụ đường sắt và chúng ta đã phát hiện được. Khi đã phát hiện, chúng ta xử lý rất nghiêm. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn điểm tích cực đó. Tất nhiên, tôi không nói mình đã chuẩn. Việt Nam đang chuyển từ một nền kinh tế tiền mặt sang một nền kinh tế theo nhịp của thị trường và hạn chế dùng tiền mặt.  Hiện chúng ta mới chuyển lương cán bộ công nhân viên vào tài khoản cũng như bắt kê khai tài sản để phòng chống tham nhũng. 

Tại sao sau vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, Nhật vẫn tiếp tục viện trợ ODA cho chúng ta? Rõ ràng họ thấy là chúng ta làm cương quyết. Cơ chế của chúng ta có thể chậm phát hiện tiêu cực nhưng khi có thông tin chúng ta làm rất mạnh tay bất kể đối tượng đó là ai. Khi mức án được công khai minh bạch thì tôi tin người ta vẫn ủng hộ thôi.

- Ông đánh giá ra sao về hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam so với các nước trong khu vực?

- Hiện nay vốn ODA của mình so với các nước đang sử dụng vốn ODA được các tổ chức quốc tế đánh giá là đạt mức trung bình khá. Còn phía Nhật đánh giá chúng ta sử dụng vốn ODA tương đối nghiêm túc. Tức là những gì chúng ta cam kết thì chúng ta thực hiện đúng. Tất nhiên trong quá trình làm thì có rơi vãi nhưng tôi tin Nhật hiểu trách nhiệm cũng thuộc cả phía họ. Bởi vì dự án có cả phía Nhật thi công và tư vấn, do đó, nếu có chuyện xảy ra thì cả hai bên cùng chịu liên đới.

- Để nâng hiệu quả sử dùng dòng vốn ODA đồng thời hạn chế tối đa tiêu cực, theo ông Việt Nam cần phải làm gì lúc này?

- Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA thông qua việc ban hành Luật Đầu tư công. Trong luật nêu rõ trách nhiệm của từng người. Ví dụ chúng ta giao một khoản tiền cho công trình và yêu cầu hoàn tất trong thời hạn 36 tháng thì phải làm đủ 36 tháng là xong chứ không được kéo dài tới 42 tháng.

Điều quan trọng nhất trong Luật Đầu tư công là xây dựng kế hoạch trung hạn, dự án đầu tư xây dựng ở đâu thì nguồn vốn ở đó. Nhớ lại khi làm đại lộ Đông Tây, vụ việc còn nóng hơn bây giờ nhiều, Bộ Giao thông phản ứng rất tốt. Vừa có báo xong một tuần sau, phía Việt Nam đã cử người sang làm việc rồi. Nhật đánh giá rất cao chuyện đó. Với vụ việc này mình đã rút được kinh nghiệm từ chuyện đại lộ đông Tây và xử lý rất tốt. Danh sách những người nhận tiền không phải do phía Nhật chuyển sang mà do mình tự điều tra. Chúng ta nên ghi nhận chuyện đó. Tôi cho rằng, đã làm thì phải có sai, sai thì mình sửa. Cái sai ở đây không phải ở cấp vĩ mô, mang tính chất chỉ đạo cố tình làm sai mà sai là cấp thực hiện, dưới góc độ cá nhân.

Hoàng Lan

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét