Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Các tác giả châu Âu bàn về những chọn lựa trong viết văn

Các tác giả châu Âu bàn về những chọn lựa trong viết văn

Các tác giả châu Âu bàn về những chọn lựa trong viết văn

Viết cái gì, viết cho ai, điều gì nên giữ hoặc nên bỏ khi viết phụ thuộc vào sự điều phối giữa trực cảm và lý trí của mỗi nhà văn.

Trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu, chiều 18/5, tọa đàm bàn tròn giữa các nhà văn đến từ châu Âu và Việt Nam xoay quanh cách thức cho ra đời tác phẩm văn học giả tưởng mang lại nhiều điều thú vị cho bạn đọc. Tham gia buổi tọa đàm có nhà văn trẻ xuất sắc của Anh Evie Wyld, nhà văn Tây Ban Nha Ruben Abella, nhà văn Đan Mạch Sally Altschuler và họa sĩ minh họa Tove Krebs Lange. Phía Việt Nam góp mặt hai tên tuổi - nhà văn Võ Thị Hảo và tác giả trẻ Hà Thủy Nguyên. Tất cả đều là những cây bút nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất định trong đời sống văn học đương đại ở mỗi quốc gia.

1-TOAN-CANH-JPG-1369-1369099925_500x0.jp

Dưới sự dẫn dắt của MC Trương Uyên Ly, câu chuyện đi từ xuất phát điểm viết lách của các nhà văn đến cách thức xử lý thông tin của mỗi người và những câu chuyện bếp núc văn chương thú vị. Dù bằng những ngôn ngữ khác nhau, dường như câu chuyện giữa các nhà văn không có ranh giới bởi họ cùng là những người dùng từ ngữ để chuyển tải câu chuyện và thông điệp tới người đọc. Và dù mỗi tác giả có một cách thức bắt đầu và chọn lựa khác nhau, đối với họ, viết văn thực ra là quá trình phối hợp giữa trực cảm và lý trí.

Cắt ý tưởng hay giống như "giết người yêu"

Các nhà văn luôn là một kho ý tưởng được góp nhặt từ cuộc sống, làm thế nào để lọc chúng và đưa vào trong tác phẩm? - Vấn đề đưa ra nhận được những tranh luận sôi nổi. Nữ nhà văn Anh Evie Wyld bắt đầu viết văn từ năm 16 tuổi. Năm 28 tuổi (2009), chị phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tiên "After the Fire, A Still Small Voice"- tác phẩm theo chị "có đề cập tới Việt Nam như một phần nhỏ nhưng xuyên suốt trong câu chuyện". Evie kể, chị có một người chú ở Autralia, người từng là cựu binh Việt Nam. Câu chuyện của chị nói về nhiều thế hệ khác nhau trong một gia đình của người Australia - thế hệ đầu tiên chiến đấu ở Triều Tiên, thế hệ thứ hai chiến đấu ở Việt Nam và thế hệ thứ ba không phải ra trận. Từ đó, chị nhìn thấy sự khác nhau giữa các thế hệ, những di chứng, chấn thương tâm lý trong chiến tranh đã ảnh hưởng tới cuộc sống của những người cha, người chú trong gia đình như thế nào. Tác phẩm của chị được sự đón nhận nồng nhiệt của giới phê bình và công chúng. Theo nữ nhà văn, trước hết phải viết, sau đó mới kiểm tra thực tế để biết điều gì đúng, điều gì sai mà điều chỉnh. "Hãy cứ bắt đầu, đừng bơi mãi trong biển thông tin mà không thể nào bắt tay vào công việc", Evie nói.

MC, nhà báo Trương Uyên Ly cho độc giả xem một bản bút tích của nhà văn Ruben Abella (phải).
MC, nhà báo Trương Uyên Ly cho độc giả xem một bản bút tích của nhà văn Ruben Abella (phải).

Nhà văn Đan Mạch Sally Altschuler cho biết, nhà văn phải có kỷ luật, ngồi xuống bàn viết, ổn định ý tưởng, xét xem cái gì bỏ, cái gì dùng. "Hãy xét xem ý tưởng đó dẫn ta đi tới đâu sau đó mới quyết định làm việc với ý tưởng đó", Sally Altschuler nói. Đại diện Tây Ban Nha - nhà văn Ruben Abella - cho rằng, viết văn là sự kết hợp giữa tâm và trí, logic và trực giác. Theo anh, lựa chọn ý tưởng nào cũng phải liên quan đến ý nghĩa và thực tiễn đưa vào là gì. Ý nghĩa chính là việc mình muốn viết, muốn nói về cái gì. Theo Ruben, giữa những gì suy nghĩ và những gì viết ra có một khoảng cách và làm thế nào để nối chúng lại được với nhau là mục tiêu mà anh đặt ra khi viết tác phẩm của mình. Họa sĩ đến từ Đan Mạch Tove Krebs Lange cũng cho rằng, mỗi câu chuyện, hình ảnh được sáng tạo ra đều phải phục vụ một lý do nào đó. Mặc dù nổi tiếng với việc vẽ tranh minh họa nhưng chị cho rằng, mọi thứ không thể chỉ là một sự minh họa hay ép buộc ý nghĩa. "Có những khi, chúng ta vẽ một bức tranh thiên thần xinh đẹp nhưng không hợp với câu chuyện thì buộc phải bỏ đi", Tove Krebs nói.

Trong khi các nhà văn châu Âu nghiêng về tính lý trí trong xử lý thông tin cho tác phẩm, hai đại diện của Việt Nam tỏ ra thiên về yếu tố trực cảm hơn. Tác giả Hà Thủy Nguyên chia sẻ, chị bắt đầu viết từ năm lớp 8, và viết từ những giấc mơ ám ảnh mình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chị - "Điệu nhạc trần gian" - xuất phát từ những thôi thúc đến trong giấc mơ của Hà Thủy Nguyên. Nhà văn Võ Thị Hảo cũng cho rằng giấc mơ, ám ảnh quan trọng đối với nhà văn khi viết ra tác phẩm. Là một cây bút kỳ cựu và vững tay nghề, Võ Thị Hảo cho biết, khi chị viết, cả thế giới tưởng tượng dù là địa ngục hay thiên đàng đều có thể hiện ra đến từng chi tiết, nhưng muốn đạt hiệu quả thì phải mạnh tay bỏ đi những thứ không cần thiết.

Việc cắt bỏ những ý tưởng rất hay nhưng không thích hợp cho mạch truyện được nhà văn Tây Ban Nha ví như quyết định của người đang yêu, khó mà rạch ròi. Nhà văn Đan Mạch Sally Altschuler hài hước nói: "Giống như khi ta phải lựa chọn từ bỏ người ta yêu, có những thứ rất hay, nhưng đặt trong bối cảnh sáng tác không hợp thì dù yêu cũng phải mạnh tay, cứng rắn với bản thân mình".

Vậy giữa cái chân thực không dễ lọt tai với cái bịa đặt và có khả năng phù hợp với số đông thị trường, sẽ phải lựa chọn cái nào? Các nhà văn đều cho rằng, họ cần phải chân thực với bản thân chứ không nương theo những thứ dễ dãi. Nếu viết những điều giả dối, không cần đến người đọc mà bản thân họ sẽ tự phát hiện ra và cảm thấy xấu hổ với lương tâm. Vậy làm thế nào để nhận ra đâu là điều thành thực, đâu là điều giả tạo của chính bản thân trong sáng tạo. Hà Thủy Nguyên cho rằng khi viết trung thành với bản thân thì những ám ảnh mới không quay trở lại. Hà Thủy Nguyên và đại diện Tây Ban Nha đồng quan điểm, đi nửa đường họ sẽ nhận ra điều gì không đúng, và khi đó sẽ cho nhân vật đi lại hoặc rẽ sang hướng mới. Theo nhà văn Tây Ban Nha, sai không quan trọng, quan trọng là nhận ra mình đã sai. Nhà văn Anh Evie Wyld tin rằng mọi đúng sai đều phải có quá trình, thời gian để kiểm chứng, còn theo nhà văn Võ Thị Hảo, lúc này cần phải mang lý trí ra để phán xét trực cảm.

Người đọc ở đâu trong quá trình sáng tác của các nhà văn?

Nhà văn Anh Evie Wyld nói, khi viết, chị quan tâm tới việc những gì viết ra có diễn đạt những gì chị nghĩ hay không. Võ Thị Hảo cân nhắc quyền lợi của tác giả (điều mình khao khát) và quyền lợi độc giả mà theo chị, nhà văn phải đồng hành với những khát vọng, ước muốn của độc giả. Và nếu phải lựa chọn, chị sẽ chọn vì độc giả, không phải bằng việc làm bùi tai họ mà viết những gì dành cho họ, đánh thức lương tri của con người nói chung. Nhà văn Tây Ban Nha Ruben Abella cho rằng trước mỗi cuốn sách viết ra anh luôn là độc giả đầu tiên. Năm 33 tuổi anh xuất bản tiểu thuyết đầu tiên. Chỉ khi anh cảm thấy mình đọc được thì mới dám xuất bản. Nhà văn Anh đồng tình với điều này khi thổ lộ, việc viết văn xuất phát từ ham mê đọc. Khi mới 16, 17 tuổi, chị đọc một cuốn sách và bị cuốn hút không rời. Từ đó chị nghĩ rằng mình cần viết cái gì đó để khai thác, tìm hiểu cuộc sống của mọi người, để hiểu họ làm gì, vì sao làm điều đó. Hà Thủy Nguyên lại cho rằng, đối với chị, sau giấc mơ thì viết là một trò chơi của chị với những hình ảnh, tình tiết, mỗi lần viết là một lần tái sinh trong một trò chơi mới.

3-NHA-VAN-VO-THI-HAO-1369099925_500x0.jp
Nhà văn Võ Thị Hảo.

Bên cạnh việc đi sâu vào khía cạnh sáng tác, các tác giả cũng chia sẻ những thói quen trong quá trình viết văn. Nhà văn Đan Mạch thích viết ở nhà, trong căn phòng của mình. Anh tiết lộ, anh có một ngôi nhà giữa rừng ở Thụy Điển và đó là nơi anh yêu thích nhất, "tất nhiên là với vợ bên cạnh" - nhà văn viết cho thiếu nhi hóm hỉnh. Ngoài ra, có cơ hội anh cũng sẽ tới vùng đất khác để viết, tránh tình trạng bị nhàm chán. Tác giả thường thích viết bằng bút máy, bởi anh thích cảm giác nguyên bản của tác phẩm khi chiếc bút rỏ mực ra trang giấy. Sau đó, anh sửa và đánh lại trên máy tính. Nữ họa sĩ Đan Mạch Tove Krebs Lange cho biết, chị sáng tác, phác thảo bất cứ nơi nào, bất cứ chất liệu nào, kể cả trên một mẩu giấy ăn. Chị cho rằng đó là những ý tưởng khơi nguồn cho nhiều câu chuyện thú vị của chị.

Nhà văn Võ Thị Hảo thích viết ở quán cà phê, lúc ồn ào nhất, nhạc bật to nhất, bởi đó là khi chị tập trung và cảm hứng dồi dào, trong khi Hà Thủy Nguyên có thói quen chọn nhạc nền trước khi bắt đầu viết. Nhà văn Tây Ban Nha Ruben Abella khá kỷ luật khi chỉ có thể viết ở nhà. Ở bên ngoài, anh có thể ghi chép ý tưởng chứ không viết được. Ruben cho biết, nếu trong ngày, 5 tiếng đồng hồ làm việc mà viết được một trang đầy thì chính là thành công của anh. Nhà văn Anh Evie Wyld tiết lộ, chị luôn mang theo cuốn sổ bên mình bất cứ lúc nào. Khi ở nhà chị nói to và đối thoại một mình hoặc tìm cách chia sẻ câu chuyện với người có thể lắng nghe và đáng tin cậy nhất - không ai khác đó chính là chồng chị.

Kỳ Thư
Ảnh: Đạt Ma
 

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét