Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Sau những trang sách cổ

Sau những trang sách cổ

Sau những trang sách cổ Chơi sách cổ rất công phu, tốn kém. Không chỉ là cái thú săn tìm bằng được đồ quý hiếm, đồ độc, chơi sách cổ còn là sự khám phá những điều bí ẩn sau từng trang sách của người xưa.

 - 

d

Nhà báo Yên Ba được biết đến trong làng chơi sách ở thủ đô chỉ vài năm nay như là một “chuyên gia” về Tam quốc diễn nghĩa. Nhưng thật ra trong vốn liếng sách cổ của anh còn rất nhiều thứ quý hiếm từ cổ chí kim.

Mua lại thời gian

Yên Ba bắt đầu lao vào cuộc chơi khó tính này khi đọc được trong tác phẩm của nhà sưu tầm cổ ngoạn Vương Hồng Sển, đoạn già Vương mua được cuốn sách quý đêm về sung sướng ôm sách nằm ngủ, để vợ phải ngủ phòng ngoài.

Rồi từ đó, theo Yên Ba, “càng chơi càng cảm thấy mình nhỏ bé giữa dòng chảy thời gian, nhưng có được niềm vui là nhìn thấy những trầm tích thời gian lắng lại qua từng trang sách. Một trong những bi kịch lớn nhất của con người là không bao giờ mua được thời gian. Thế mà chơi sách cổ là một cách mua lại thời gian đã mất. Sống giữa những trang sách cổ tôi như được tiếp thêm nghị lực sống, cảm thấy cuộc đời dài thêm; và còn tìm thấy được những điều lạ kỳ về nghệ thuật, về tri thức trong những cuốn sách ấy”.

Một lần nọ, anh gặp nhà văn Tô Hoài hỏi về cuốn Mực tàu giấy bản của ông xuất bản năm 1941. Chính cha đẻ của chú dế mèn cũng rất ngạc nhiên và không nhớ là ông có còn giữ được cuốn sách ấy không. Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân từng viết trong tuyển tập về Phan Khôi: “Từ năm 2000, tôi bắt đầu “soạn” cụ, ông cụ này kỳ quặc, sinh thời chỉ in hai đầu sách Chương dân thi thoạiViệt ngữ nghiên cứu”.

Trong gia tài sách cổ của Yên Ba có cuốn Chương dân thi thoại in năm 1936. Và điều bất ngờ là sinh thời Phan Khôi không chỉ in hai đầu sách ấy mà còn có thêm truyện dài Trở vỏ lửa ra xuất bản năm 1939, cũng có mặt trong tủ sách của Yên Ba.

d

Những bộ sách cổ sưu tầm từ nước ngoài.

Khi mới 19 tuổi, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết sách triết học: cuốn Triết học Nieschtze, xuất bản năm 1942, in tại nhà in Sinh Từ, Hà Nội. Ông còn viết cuốn Triết học Kant, xuất bản năm 1943. Cả hai cuốn Yên Ba đều có. Và chính anh cũng lấy làm ngạc nhiên khi vào năm 1938, dưới sự kìm kẹp của thực dân Pháp, NXB Trung Bắc Tân Văn vẫn in được một tập sách về tiểu sử, những bài học kinh nghiệm, đạo đức của V.I. Lê Nin với tựa Lê Nin.

Đã có một giai đoạn lịch sử in vào trí nhớ của nhiều thế hệ bạn đọc, đó là khi những bông hoa nở rộ trong một vườn hoa đa sắc của phong trào Thơ mới, của văn chương Tự Lực văn đoàn, của tiểu thuyết, truyện ngắn hiện thực và lãng mạn, nhưng còn một mảng sách xuất hiện trong thời kỳ ấy chưa được nhiều người biết đến như các tác phẩm Trai nước Nam làm gì, Thời đại (Hoàng Đạo Thúy, 1943), Phê bình Nho giáo (Ngô Tất Tố, 1940), Nhà nho (Chu Thiên,1943), đặc biệt là cuốn Đông phương lý tưởng (Nguyễn Duy Trinh,1931) gồm 200 câu Hán văn nói về đức dục, trí dục với lời NXB: “Sách này đã trình phủ thống sứ duyệt y rồi”.

Yên Ba đã sưu tầm được những tư liệu hiếm và độc như thế bên cạnh những cuốn như Việc làng của Ngô Tất Tố, xuất bản trước những năm 1940, tập phóng sự được coi là một hiện tượng trong lịch sử báo chí nước ta từ khi có chữ quốc ngữ; Quých và quác của Vũ Bằng in năm 1941; Một ngàn cửa sổ, tập thơ của Nguyễn Bính in bằng giấy bản mỏng dính, xuất bản năm 1941, Tản Đà tân văn, in năm 1942 hay bản dịch tiếng Pháp Kim Vân Kiều (NXB Alexandre de Rhodes) của Nguyễn Văn Vĩnh, người đầu tiên dịch và giới thiệu Truyện Kiều với bạn đọc nước ngoài.

Trong bản dịch xuất bản năm 1942-1943, học giả Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ dịch thơ mà còn có phần chú giải theo kiểu từ điển cho người đọc tiếng Pháp hiểu được tác phẩm của Nguyễn Du. Xuất bản trước đó nữa là những cuốn như Tuy Lý vương, Lịch sử ký sự (1938 - năm xuất bản được ghi bằng số La Mã), Túp lều nát - tập phóng sự của Nguyễn Trần Ai (1937, NXB Nông Thương Thư Trang ở Hà Tĩnh - chủ trì xuất bản là Nguyễn Đổng Chi), Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách (1925). Qua những cuốn sách này có thể thấy được từ hơn nửa thế kỷ trước lĩnh vực xuất bản tư nhân ở nước ta đã phát triển khá mạnh và đồng bộ.

Trong lời giới thiệu của NXB Văn Học ở bản in Tam quốc diễn nghĩa gần đây, có dẫn lại lời của giáo sư Nhan Bảo (ĐH Bắc Kinh) cho biết bản dịch Tam quốc diễn nghĩa xuất hiện sớm nhất ở nước ta vào năm 1909, do Nguyễn An Cư, Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh dịch.

Trong tủ sách của Yên Ba có một bộ sáu cuốn Tam quốc do NXB Imprimerie - Express ở miền Bắc in vào năm ấy, song người dịch là Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh hiệu đính. Trong lời tựa, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người có công lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ, viết: “Chỉ với 23 con chữ xoay vần, viết được nhiều điều, học vài tháng đã cầm được bút” như một cách quảng bá chữ quốc ngữ qua bản dịch cuốn tiểu thuyết Trung Hoa bất tử này.

Ông còn nói thêm: “Ngặt một nỗi, chữ ai cũng biết nhưng lấy sách đâu mà đọc. Hết Cung oán đến Truyện Kiều, ai đọc nhanh cũng chỉ vài ngày là xong. Mỗi tuần chúng tôi chỉ in ra một cuốn, giá rẻ để mỗi người có thể mua và để biết đến chữ quốc ngữ một cách rộng rãi”. Sách có tuổi gần 100 năm đến nay vẫn nguyên vẹn, mới hay trước khi đến tay Yên Ba sách đã được những người chủ trước đó gìn giữ như của quý.

d

Tam quốc diễn nghĩa, bản in năm 1907.

Nhưng liệu 1909 có phải là năm sinh đích thực của Tam quốc diễn nghĩa tại VN? Hóa ra Yên Ba còn có một cuốn Tam quốc diễn nghĩa xuất bản năm 1907 (NXB Sai Gon Imprimerie - De Lopinion), với lời tựa là một bài văn vần ngộ nghĩnh đậm chất Nam bộ: “Ai nhân từ bằng ông Lưu Bị, ai gian hùng như ngụy Tào Mang (Man). Quang (Quan) Công hầu một tấm trung can. Lòa ngọn đuốt (đuốc) rỗ (rõ) ràng gương nhựt nguyệt. Trương Dực Đức hoanh hoanh liệc liệc” (oanh oanh liệt liệt)…”.

Trong các bản Tam quốc từ cổ chí kim, từ truyện dịch xuôi đến truyện tranh mà Yên Ba sở hữu, có một tập sách chép tay bằng chữ Hán nét chữ như “phượng múa rồng bay” trên những trang giấy ố vàng. Tiếc là người chép không để lại danh tánh gì ngoài bộ sách có lẽ là độc nhất vô nhị trong làng chơi sách cổ.

Nỗi niềm người chơi sách

Vì mê Vương Hồng Sển, Yên Ba đã không bỏ sót bất cứ một cuốn sách nào của nhà thông thái họ Vương vốn được giới chơi sách tôn sùng bởi câu “chơi sách là thú chơi phong lưu nhất trong mọi thú chơi”. Nhưng để có được sự “phong lưu” đó, với một nhà báo quân đội như Yên Ba không hề đơn giản.

Trong các chuyến đi công tác nước ngoài, trong balô của anh khi về nước cũng là những cuốn sách cổ. Yên Ba rất “cưng” cuốn Những ông vua bị lưu đày (Les rois en exil) của Alphonse Daudet in năm 1890 (chưa được dịch ra tiếng Việt, còn bạn đọc VN đã rất quen thuộc với cuốn Những vì sao của Daudet). Yên Ba còn có tuyển tập kịch của Alfred De Musset in năm 1867 (năm Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời), tập thơ của Sapho - nữ thi sĩ vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại - được in bằng tiếng Pháp tại London.

d

Tập thơ Sapho.

Đối với những người chơi sách cổ ở Hà thành như Yên Ba, nỗi niềm chính không phải là chuyện tiền mua sách mà là không còn sách để mua, trong khi chưa hình thành một thị trường sách để dân có máu mê “chơi cho thỏa”. Ở VN, sách cổ tiếng Việt không nhiều do chữ quốc ngữ mới phổ biến vào đầu thế kỷ 20.

Những gia đình trí thức, tư sản trước cách mạng có nhiều sách nhưng những biến động lớn của lịch sử và hai cuộc chiến tranh đã khiến nhiều tủ sách quý tan tác, lưu lạc tứ bề nay không dễ tìm kiếm.

Khí hậu nhiệt đới ẩm của Hà Nội cũng là một bất lợi lớn đối với những người chơi sách. Theo Yên Ba, người chơi sách cổ ở Hà Nội hiện nay đều dừng lại trong một không gian hẹp của riêng mình, không có được những trao đổi rộng rãi và cuối cùng những cuốn sách cứ mãi nằm yên trong tủ... 

(Nguồn: Tuổi trẻ)

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét